Xung đột Scarborough khó giải quyết vì liên quan Trường Sa


Chiến thuật nhượng bộ của Philippines không được Trung Quốc đáp trả. Vụ Scarborough vẫn bế tắc, vì nó liên quan cuộc tranh chấp Trường Sa.

Trong những ngày đầu tháng 6, chính phủ Philippines đã cố gắng làm dịu bớt cuộc đối đầu căng thẳng với Trung Quốc tại Scarborough.

Philippines rút hết tàu thuyền, 30 tàu cá Trung Quốc vẫn hoạt động

Theo Bộ Ngoại giao Philippines, sau một số cuộc tham vấn, Trung Quốc đã rút hai tàu của chính phủ nước này khỏi một phá ở trung tâm bãi đá ngầm Scarborough và một tàu của Cục Ngư nghiệp Philippines cũng có động thái tương tự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines cho biết hai tàu Trung Quốc đã hợp với đội hình sáu tàu khác của Trung Quốc neo đậu ngay bên ngoài phá, trong khi chiếc tàu Philippines hiện cùng với một chiếc tàu khác của nước này cũng neo đậu bên ngoài khu vực trên. Với động thái trên, hiện còn 30 tàu cá Trung Quốc tại phá này, trong khi Philippines không còn ngư dân nào, và hai bên đang tiếp tục tham vấn đề giải quyết tranh chấp lãnh hải.

Sự xuống thang cục bộ này của Philippines nhằm giảm căng thẳng. Nhưng căng thẳng có giảm không, sẽ đợi hành động tiếp theo của Trung Quốc.


Tàu hải giám Trung Quốc hoạt động gần vùng bãi đá cạn Scarborough/Hoàng Nham

Người phát ngôn của Tổng thống Philippines nhấn mạnh việc cùng phối hợp rút tàu khỏi khu vực tranh chấp trên là một bước đi đúng hướng: “Đây là một động thái giảm căng thẳng và chúng tôi đánh giá cao thái độ của cả hai bên nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại bãi đá ngầm Panatag”.

Tuy nhiên, ngày 11/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố tàu thuyền của chính phủ nước này tiếp tục “canh chừng” tại vùng đảo đá ngầm.

Nhật báo Daily Inquirer (PLP) cho biết thực tế không như Manila mong đợi. Trong bản tuyên bố cuối tuần, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định: “Thuyền đánh cá Trung Quốc tiếp tục hoạt động trong vùng biển Hoàng Nham một cách bình thường và không còn bị phá rối”. Người phát ngôn này nói, do tàu chiến Philippines đe dọa ngư dân Trung Quốc vào hôm 10/4 gây ra “sự cố Hoàng Nham”, khiến Trung Quốc phải đưa tàu hải giám đến giải cứu và hai bên đối đầu nhau cho đến ngày 3/6 vừa qua rồi Philippines mới rút đi. Hai ngày sau, hai tàu chính phủ Trung Quốc mới rời vịnh Scarborough nhưng tiếp tục “canh chừng” để hỗ trợ dịch vụ cho ngư dân Trung Quốc theo luật lệ hiện hành.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tuyên bố rằng không muốn thấy phía Philippines “có hành động khiêu khích xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc” và Bắc Kinh sẽ tiếp tục liên lạc với Manila về cách xử lý sự cố Hoàng Nham nhằm cải thiện quan hệ song phương.

Phía Philippines hy vọng hai bên sẽ tìm ra một giải pháp thương lượng tuy vẫn còn 30 tàu cá của Trung Quốc săn bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.

Tranh chấp Scarborough khó giải quyết vì liên quan Trường Sa

Một số nhà phân tích ở Philippines đang rất bi quan về việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa nước này và Trung Quốc xung quanh bãi đá ngầm Scarborough ở Biển Đông.

Giáo sư Clarita Carlos của Khoa học chính trị thuộc trường Đại học Philippines, nhận định vấn đề Scarborough không thể được giải quyết thỏa đáng chừng nào hai bên vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với cùng một vùng lãnh thổ. Bà này cho rằng bế tắc kéo dài hai tháng nay tại bãi đá ngầm Scarborough là một vấn đề thực sự khó giải quyết vì “chúng ta có thể tiếp tục tranh luận tại mọi khuôn khổ quốc tế về luật pháp cho tới khi chán nản, nhưng ít có khả năng vấn đề chủ quyền và lãnh thổ được giải quyết triệt để”.

Trong chuyến thăm Mỹ hồi đầu tháng này, Tổng thống Aquino nhận xét rằng sự bế tắc trong việc giải quyết vụ Scarborough chỉ là  “một phần rất nhỏ trong toàn bộ cuộc tranh chấp”. Ông Zhuang Guotu, giám đốc Trung tâm Đông Nam Á của Đại học Hạ môn, trả lời  Thời báo Hoàn cầu ngày 12/6, cho rằng “Yếu tố quan trọng nhất trong cuộc tranh chấp tại Nam Hải (Biển Đông) là các hòn đảo ở Trường Sa, chứ không phải đảo Hoàng Nham… Tất cả các nước xung quanh Nam Hải đều đang đấu tranh cho dầu khí, trừ Philippines, là nước không có dầu”. Ông này nêu rõ nguyên nhân của tình trạng bế tắc hiện nay: “Cả Philippines cũng như Trung Quốc đều không từ bỏ đảo Hoàng Nham vì điều này có nghĩa là sẽ  buộc phải nhân nhượng nhiều hơn nữa trong vấn đề Trường Sa. Cuộc tranh chấp tại Nam Hải liên quan 5 nước 6 bên. Malaysia và Brunei có thể sẽ xung đột với Trung Quốc trong tương lai”.

Trung Quốc trả đũa kinh tế

Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông nay đã chuyển sang lĩnh vực kinh tế, với những hậu quả không chỉ giới hạn trong cuộc “chiến tranh chuối”. Sau chuối, Trung Quốc cũng kiểm tra gắt gao hơn các loại trái cây khác của Philippines, như đu đủ, xoài, dừa và dứa, khiến các nhà xuất khẩu Philippines phải vội tìm các thị trường khác ở Trung Đông và những vùng khác để bán kịp lượng hàng ứ đọng.


Một cơ sở xử lý chuối tại Mindanao: Chuối chiếm vị trí quan trọng trong các mặt hàng xuất khẩu của Philippines đang trải qua "cuộc chiến tranh chuối" với Trung Quốc

Chuối hiện chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Philippines nhưng kể từ khi Bắc Kinh thi hành những hạn chế đối với chuối của Philippines, các doanh nghiệp nước này đã bị mất hơn 23 triệu USD. Cuộc “chiến tranh chuối” này làm nổi rõ sự phụ thuộc về kinh tế ngày càng nhiều của Philippines đối với Trung Quốc. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines, chỉ sau Nhật Bản và Mỹ. Dự kiến, đến năm 2013, Trung Quốc sẽ là bạn hàng lớn nhất của Philippines. Nhưng nếu Bắc Kinh tiếp tục kiểm tra gắt gao như vậy, có thể sẽ đến lượt hàng điện tử xuất khẩu của Philippines bị ảnh hưởng, trong khi đây là mặt hàng chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này.

Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Kinh dùng vũ khí kinh tế đối với những nước có tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc. Vào năm 2010, Bắc Kinh đã đình chỉ xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản, có thể là nhằm trả đũa vụ Tokyo bắt giữ thuyền trưởng một tàu cá Trung Quốc ở khu vực quần đảo Senkaku. Nếu thật sự Bắc Kinh cũng sử dụng vũ khí kinh tế đối với Manila thì chắc chắn Philippines sẽ là nước bị thua thiệt. Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng gay gắt, bên cạnh việc huy động tàu chiến, Bắc Kinh có vẻ sẵn sàng dùng lá bài kinh tế để áp đảo đối phương.

Nếu muốn vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa muốn giữ ổn định xuất khẩu cho nền kinh tế, Manila không tránh khỏi phải đa dạng hóa thị trường và hiện đại hóa nền kinh tế của họ. Nếu không suốt đời sẽ bị kẻ mạnh bắt nạt./.

Nhật Nam

Okinawa: Chìa khóa đối với an ninh khu vực

Theo đánh giá của các chuyên gia an ninh, Nhật Bản, bao gồm cả Okinawa, có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh tiềm lực quân sự và ngân sách quốc phòng ngày một phình to của Trung Quốc đang gây quan ngại cho Oasinhtơn.


Sự trở về của Okinawa với Nhật Bản năm 1972 đi kèm với một cái giá — đó là hòn đảo này vẫn được Mỹ sử dụng với ngổn ngang các căn cứ quân sự và các doanh trại quân đội nhằm bảo vệ Nhật Bản và duy trì hoà bình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Sự kiên nhẫn của người dân Okinawa – những người phải sống dưới cái bóng đáng sợ của các vụ tai nạn máy bay và Ô nhiễm tiếng ồn – đang cạn dần với sự hiện diện thường trực của quân đội Mỹ, chiếm tới 18% diện tích của hòn đảo chính. Tâm lý phản đối quân đội vẫn còn khá mạnh ở Okinawa nơi từng chứng kiến những trận chiến đẫm máu trong Thế chiến thứ hai ở Thái Bình Dương và sự chiếm đóng của Mỹ đã kéo dài tới năm 1972.

Nhà phân tích quân sự Kazuhisa Ogawa cho biết Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong khu vực có thể hỗ trợ Mỹ về địa chính trị, tài chính và kỹ thuật. Ông Ogawa cho biết: “Một nửa thế giới, từ Haoai cho đến Cape Town đều nhận được sự hỗ trợ của quân đội Mỹ ở Nhật Bản và không có quốc gia nào khác có thể thay thế Nhật Bản. Quần đảo Nhật Bản chính là bàn đạp tiếp sức cho Mỹ”. Cuối tháng 4/2012, Tôkyô và Oasinhtơn nhất trí giảm bớt quy mô hiện diện của Mỹ ở Okinawa tới 9.000 quân như là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu lực lượng Mỹ ở đây theo hiệp định song phương năm 2006. Trong số này, 4.000 binh sĩ sẽ được điều chuyển tới Guam. Phần còn lại sẽ được triển khai ở các nơi khác, mà chủ yếu là ở Haoai, nằm trong chiến lược phòng thủ mới của Mỹ. Tuy nhiên, quyết định này không có nghĩa là tầm quan trọng của Okinawa và Nhật Bản bị suy giảm về tổng thể đối với quân đội Mỹ. Nhà phân tích Ogawa cho biết: “Việc chuyển tới Guam về cơ bản là cách để giảm bớt gánh nặng ở Okinawa và giảm bớt thương vong bằng việc dàn trải binh sĩ ra nhiều địa bàn nếu Trung Quốc tấn công các căn cứ của Mỹ ở Okinawa. Dàn quân là để xử lý linh hoạt hơn” trước các cuộc khủng hoảng tiềm tàng với Trung Quốc. Tháng 1/2012, Tổng thống Barack Obama đã công bố chiến lược quốc phòng mới của Mỹ, đánh giá cao tầm quan trọng của khu vực châu Á- Thái Bình Dương và tỏ rõ sự thận trọng trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc bằng việc tăng cường sự hiện diện “nhạy bén” và “linh hoạt” trong bối cảnh quy mô quân sự phải giảm bớt do ngân sách bị thu hẹp. Kế hoạch mới chủ trương chia tách lính thuỷ đánh bộ Mỹ thành các nhóm nhỏ và luân chuyển họ ra khắp khu vực, bao gồm Haoai, Guam, Okinawa và Ôxtrâylia. Ông Ogawa cho biết: “Tên lửa đạn đạo tầm trung của Trung Quốc không thể bay tới Darwin, Ôxtrâylia, nên việc triển khai lính thuỷ ở đó đồng nghĩa với việc kiềm chế được Trung Quốc”.

Các chuyên gia đều lưu ý rằng hai trong số các mầm mống có nguy cơ dễ phát sinh xung đột nhất giữa Trung Quốc và Mỹ chính là Đài Loan và vấn đề tuyên bố chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông. Các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam và Philippin, đang đấu tranh với Trung Quốc trong vấn đề chủ quyền. Nhiều chuyên gia quân sự cho rằng sự hiện diện của Mỹ ở Nhật Bản – trong đó có cả những bộ phận chức năng của quân đội ở Okinawa – là nhằm ngăn chặn Trung Quốc vượt qua ranh giới. Giáo sư Muromoto, chuyên gia về vấn đề an ninh tại Đại học Musashino Gakuin ở tỉnh Saitama đánh giá: “Sẽ xảy ra chuyện lớn nếu Trung Quốc cố tình kiểm soát Biển Đông và đe dọa các tuyến hàng hải. Để bảo vệ tự do hàng hải, Mỹ sẽ không để Trung Quốc ngăn chặn các tàu qua lại”. Về phần mình, Trung Quốc cũng đang hoạt động ráo riết hơn ở biển Đông bằng việc phái tàu chiến tới sát quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát. Trung Quốc và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với các chuỗi đảo không có người ở này. Giáo sư Muromoto cho rằng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) không đủ khả năng đơn phương đối chọi với quân đội Trung Quốc vì thế mà việc lực lượng Mỹ tiếp tục hiện diện theo hiệp ước an ninh chung là để đóng vai trò răn đe Trung Quốc. Giáo sư Muromoto cho biết: “Điều quan trọng là phải thể hiện rằng SDF tồn tại theo hiệp ước an ninh Nhật-Mỹ và nếu Trung Quốc có hành động chống Nhật Bản, Mỹ sẽ đáp trả. Trung Quốc không muốn khơi mào một cuộc chiến với Mỹ. Và sự có mặt của lực lượng Mỹ ở Okinawa là để duy trì sự ổn định trong khu vực”. Tuy nhiên, người dân Okinawa đã chán ngấy với việc chính quyền trung ương duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ. Tất cả các đời thủ tướng thời hậu chiến đều hứa hẹn sẽ tìm cách giảm bớt “gánh nặng cho Okinawa”. Tuy nhiên, kể từ khi Okinawa được trao trả năm 1972, chỉ có 19% lãnh thổ của Okinawa sử dụng cho mục đích quân sự được trao trả.

Để đẩy nhanh tiến trình này, Nhật Bản và Mỹ bắt đầu cân nhắc xem xét lại thoả thuận giữa Tôkyô và Oasinhtơn nhằm tái cơ cấu lực lượng Mỹ ở Nhật Bản. Vấn đề trên đã đi vào ngõ cụt liên quan đến việc tái bố trí căn cứ không quân Putenma của lính thuỷ Mỹ từ thành phố Ginowan sang Trại Sehwab tại thị trấn ven biển Henoko ở Nago, phía Bắc đảo Okinawa. Cùng với việc giảm bớt quy mô 9.000 quân nhân, chính phủ hai nước cũng nhất trí rằng mặt bằng của 5 căn cứ và doanh trại của Mỹ ở miền Nam Okinawa sẽ được chuyển giao theo ba giai đoạn. Thỏa thuận ban đầu năm 2006 đã gộp toàn bộ ba vấn đề tái bố trí Putenma, di chuyển hàng nghìn lính Mỹ và giao mặt bằng để trao trả một lần. Tuy nhiên, Tôkyô và Oasinhtơn đã quyết định tách bạch các vấn đề này bởi rõ ràng địa điểm mà Futenma dự kiến chuyển đến chưa được xây dựng trong khi người dân địa phương vẫn phản đối gay gắt. Tuy nhiên, Giáo sư Manabu Sato thuộc Đại học Quốc tế Okinawa, nằm ngày sau sân bay quân sự này, cho rằng việc “tách bạch” như vậy lại gây ra mối lo ngại lớn ở Okinawa rằng Mỹ sẽ tiếp tục giữ nguyên hiện trạng của Futenma. Năm 2004, một máy bay trực thăng của Mỹ đã đâm vào khuôn viên trường làm một phi công bị thương. Giáo sư Sato cho biết: “Việc tiếp tục sử dụng căn cứ Futenma không phải là vấn đề đối với Mỹ và Oasinhtơn phó mặc việc này để Nhật Bản tự xử trí… Nhưng điều đó có nghĩa là căn cứ Futenma sẽ được sử dụng vô thời hạn mà điều này đi ngược với mục tiêu giảm bớt gánh nặng cho Okinawa. Putenma cần phải được trao trả vì những lý do an toàn”. Giáo sư Sato cho rằng vấn đề quân sự của Mỹ ở Okinawa phức tạp hơn nhiều và không chỉ là vấn đề “phản đối căn cứ” đơn thuần. Hơn nửa thế kỷ qua, người dân Okinawa đã phải chung sống với Ô nhiễm tiếng ồn từ máy bay, của cả quân đội Mỹ lẫn SDF, nhưng đồng thời, nhiều người dân đã phát triển mối quan hệ tốt đẹp, thậm chí nảy sinh tình cảm đặc biệt khi có nhiều phụ nữ địa phương kết hôn với các quân nhân Mỹ.

Mối quan hệ lịch sử giữa Okinawa với Trung Quốc cũng khác xa so với đất liền Nhật Bản. Trong hàng trăm năm, Okinawa từng là vương quốc Ryukyu (Lưu cầu), một nước chư hầu của triều đình Trung Quốc, có quan hệ giao thương hàng hải cực thịnh nhờ vị trí địa lý gần gũi với Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á. Thực tế là quần đảo này không hề thuộc Nhật Bản cho đến năm 1879. Tuy nhiên, ông Sato cho biết Okinawa không để tâm tới việc mình là phiên thuộc của Trung Quốc, ông nói: “Thực ra, khoảng 100 năm trước, người Okinawa muốn thuộc về Trung Quốc sau khi họ bị đặt dưới ách thống trị của Nhật Bản. Tuy nhiên, tình cảm đó đã tan biến dần theo thời gian mà thay vào đó, người dân lại thấy sợ Trung Quốc”. Các học giả đều nhất trí rằng cần tránh đối đầu với Bắc Kinh, đặc biệt là từ khi cả Nhật Bản và Mỹ đều phụ thuộc mạnh mẽ vào thị trường rộng lớn và đang phát triển của Trung Quốc. Và các chuyên gia quân sự cho rằng việc tăng cường hiện diện của quân đội Mỹ mang tính cơ động ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chỉ mang tính răn đe. Tuy nhiên, Giáo sư Sato bày tỏ lo ngại rằng những động thái quốc phòng của Mỹ nhằm vào Trung Quốc có thể mang lại “hung” nhiều hơn “cát”. Ông nói: “Răn đe có nghĩa là ngăn chặn một cuộc chiến tranh. Chúng ta muốn xây dựng một khuôn khổ nhằm ngăn chặn các vụ đụng độ quân sự nhưng tôi e rằng cái phanh để hãm một cuộc chiến trên đã bùng phát sẽ càng mòn đi”. Theo ông, “nếu Nhật Bản nghĩ rằng mình vừa có thể kiểm soát được tình hình, lại vừa lao vào cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc thì điều đó là sai lầm và rốt cuộc, Nhật Bản có thể phải đối mặt với một cuộc chiến toàn diện với Trung Quốc”./.

Theo ‘Thời báo Nhật Bản” (ngày 16/5)
Vũ Hiền (gt)

Căng thẳng Biển Đông: Cả Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc cùng vào cuộc?

Như vậy có thể thấy rằng Nhật Bản sẽ không bỏ qua tranh chấp Philippines – Trung Quốc trên bãi Scarborough vì đây sẽ là bài học cho Tokyo đối với đảo Senkaku. Trung Quốc vẫn dùng tuồng cũ, đưa tàu Ngư chính ra vùng biển tranh chấp thực hiện cái gọi là “tuần tra, chấp pháp” thực tế nhằm xua đuổi, ngăn cản tàu thuyền các nước liên quan.


Tàu ngầm tấn công USS North Carolina của Mỹ bất thình lình nổi lên mặt nước cảng Subic gần Scarborough trong những ngày căng thẳng khiến Bắc Kinh nhấp nhổm không yên

3 tàu chiến Nhật Bản sẽ đến Philippines trong 2 ngày nữa là JS Kashima (TV-3505), JS Shimayuki (TV-3513) và JS Matsuyuki (DD-130) thuộc Cục Phòng vệ bờ biển Nhật Bản, chuyến thăm diễn ra trong 4 ngày và được mô tả là theo lịch trình có sẵn từ trước.

Trước đó giới truyền thông Nhật Bản, Philippines đều đưa tin chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra mới để giúp Manila củng cố khả năng hàng hải và bảo vệ lãnh thổ, số tàu này sẽ được bàn giao trước cuối năm nay.


Người phát ngôn hải quân Philippines, đại tá Omar Tonsay

Giới chức quốc phòng Philippines mô tả các chuyến thăm quân sự đến Philippines là một việc quen thuộc và không liên quan gì tới những căng thẳng giữa Philippines với Trung Quốc đang diễn ra trên bãi cạn Scarborough.

Người phát ngôn lực lượng hải quân Philippines, đại tá Omar Tonsay nói rằng tàu hải quân Philippines Apolinario Mabini bày tỏ nhiệt liệt chào đón 3 tàu Nhật Bản do Đô đốc Fuchinoue Hidetoshi chỉ huy đến Philippines.


Một chiếc tàu tuần tra Nhật Bản được giới truyền thông Trung Quốc cho rằng Tokyo sẽ bán cho Philippines cuối năm nay

"Chuyến thăm sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hải quân hai nước thông qua một loạt các sự kiện dự kiến nhằm tăng cường sự hiểu biết và hợp tác hiện có", đại tá Tonsay cho biết.

Tàu JS Kashima loại 4.050 tấn, dài 143 m, rộng 18 m, trang bị súng máy 76 mm, 23 ống phóng ngư lôi với 360 thủy thủ. JS Shimayuki tải trọng 3.050 tấn, dài 130 m, rộng 13,6 m trang bị súng máy 76 mm, 2 hệ thống súng máy tầm ngắn loại 20 mmm, 1 dàn phóng tên lửa hạm đối hạm, một dàn 23 ống phóng ngư lôi chống tàu ngầm với 200 thủy thủ.


Tàu JS Shirayuki (DD-123) Nhật Bản sẽ ghé thăm Philippines 2 ngày tới

Tàu JS Matsuyuki có kích thước, vũ khí trang bị và thủy thủ đoàn tương tự JSS Shimayuki

Trước đó chính phủ Nhật Bản đã thông báo rằng họ sẽ cung cấp cho Philippines 10 tàu tuần tra loại 40  theo hình thức ODA (mua trả góp, lãi xuất thấp hoặc không lãi xuất – PV) và viện trợ không hoàn lại 2 tàu tuần tra lớn hơn nhằm giúp lực lượng Cảnh sát biển Philippines tăng sức mạnh phòng thủ so với việc chỉ có duy nhất 1 chiếc tàu tuần tra đang “lởn vởn vòng ngoài” bãi Scarborough như hiện nay.

Động thái nêu trên của Nhật Bản cho thấy Tokyo không chỉ thực sự quan tâm đến biển Đông kể từ sau khi Trung Quốc có những hành động leo thang, lấn lướt và chiếm quyền kiểm soát bãi Scarborough từ tay Philippines kể từ 10/4 vừa qua mà còn có những hành động cụ thể, thiết thực trợ giúp Philippines.


Nhật Bản không dùng lời nói mà bằng hành động hỗ trợ Philippines (ảnh Thủ tướng Yoshihiko Noda và Tổng thống Benigno Aquino III trong chuyến công du Nhật Bản của ông Aquino III năm ngoái))

Những gì mà Bắc Kinh đã và đang làm trên biển Đông, cụ thể là sự chiếm đoạt quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough cũng hoàn toàn có thể xảy ra đối với Nhật Bản trên biển Hoa Đông đối với quần đảo Senkaku. Một sự tương trợ đối với Philippines là việc cần thiết và nên làm.

Tờ Yumiuri Nhật Bản xuất bản ngày 25/5 cũng có bài xã luận phân tích rõ, sức mạnh hải quân Trung Quốc lớn hơn nhiều so với Philippines và các bên tranh chấp biển Đông, thậm chí còn có kế hoạch triển khai chiếc tàu sân bay (đã 7 lần chạy thử thành công - PV) tại khu vực này. Tokyo kêu gọi Bắc Kinh không làm cho tình hình biển Đông trở nên bế tắc với lập trường của họ như hiện nay.


Tàu Ngư chính, Hải giám của Trung Quốc liên tục hoạt động trên biển Đông và biển Hoa Đông

Phản ứng của Trung Quốc trong vụ Scarborough có sắc thái tương tự như những gì đã xảy ra trong vụ tàu tuần tra cảnh sát biển Nhật Bản ngăn chặn một tàu cá Trung Quốc vào khu vực đảo Senkaku vào mùa thu năm 2010.

Bắc Kinh đã gia tăng áp lực với Tokyo bằng cách hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản. Hiện tại họ làm điều tương tự với Philippines bằng cách hạn chế nhập chuối, nông sản Philippines cũng như hạn chế khách du lịch Trung Quốc đến nước này.


Nhật Bản coi vụ Scarborough như bài học cảnh tỉnh đối với đảo Senkaku trên biển Hoa Đông trước những âm mưu từ phía Trung Quốc

Bài học nhãn tiền đối với Nhật Bản


Như vậy có thể thấy rằng Nhật Bản sẽ không bỏ qua tranh chấp Philippines – Trung Quốc trên bãi Scarborough vì đây sẽ là bài học cho Tokyo đối với đảo Senkaku. Trung Quốc vẫn dùng tuồng cũ, đưa tàu Ngư chính ra vùng biển tranh chấp thực hiện cái gọi là “tuần tra, chấp pháp” thực tế nhằm xua đuổi, ngăn cản tàu thuyền các nước liên quan.

Người Nhật ý thức rất rõ, hòa bình và ổn định trên biển Đông không chỉ quan trọng đối với các nước có tranh chấp hay Đông Nam Á nói chung, nó còn là lợi ích quốc gia của Nhật Bản để đảm bảo rằng tuyến hàng hải huyết mạch qua biển Đông của họ vẫn an toàn.


Tàu Hải giám 75 Trung Quốc "trực ban" xua đuổi tàu cá Philippines (theo Inquire - PV)

Trong khi đó, Trung Quốc đang ráo riết triển khai các hoạt động trên bãi Scarborough sau khi dành được quyền kiểm soát. Philippines nói rằng họ có đủ bằng chứng (ảnh, video) về gần 100 chiếc tàu Trung Quốc (76 tàu công vụ đa chức năng và 16 tàu cá) đang hoạt động trên bãi Scarborough.

Bắc Kinh ra sức phủ nhận thông tin này và khẳng định chỉ có 20 tàu cá Trung Quốc đang hoạt động tại đây, mặc dù chính Bắc Kinh vừa đưa ra cái lệnh quái gở - “cấm đánh bắt cá trên biển Đông” bao gồm khu vực trọng tâm xung quanh khu vực Scarborough?! Những “tàu công vụ đa chức năng” mà Philippines phát hiện được Hồng Lỗi, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc giải thích là những chiếc “thuyền câu” loại nhỏ!?


Người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi liên tục lên tiếng bác bỏ thông tin từ phía Philippines, khăng khăng khẳng định cái gọi là chủ quyền đối với bãi Scarborough

Mặc dù phản ứng từ phía ASEAN và các nước liên quan đối với sự kiện Scarborough khá mờ nhạt nhưng các nước lớn lại tham dự ngày càng nhiều hơn, không thể hiện bằng lời nói mà dùng hành động thực tế hỗ trợ Philippines để góp phần duy trì hòa bình, ổn định trên biển Đông. Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ đều đã và đang để lại dấu ấn tại vùng biển tiềm ẩn nhiều sóng gió này.

"Rồng giấy" Thi Lang bơi ra Biển Đông

Trong bối cảnh Philippines ngày càng kiên quyết cộng với sự can thiệp tích cực của Mỹ trên biển Đông, cuối cùng Trung Quốc đã phải dùng tới con bài tẩy của mình là tầu sân bay. Nhưng liệu rằng biện pháp này của Trung Quốc có làm dịu đi căng thẳng đang leo thang trên biển Đông hay sẽ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang “tổng lực” trong khu vực…

“Rồng” Thi Lang sẽ mang lại lợi thế lớn cho Trung Quốc trên biển Đông?

Thời báo Tân Hoa xã Trung Quốc đã đăng tải một loạt bức ảnh mới nhất về chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này.

Hành động “khoe” tàu chiến của Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh căng thẳng biển Đông leo thang vì một cuộc tranh chấp lãnh hải giữa Bắc Kinh và Manila đã khiến cho nhiều người bày tỏ sự quan ngại.

Được biết, tàu sân bay Thi Lang của Trung Quốc vừa trở về cảng Đại Liên ngày 15/5/2012 sau một chuyến thử nghiệm trên biển kéo dài 9 ngày, sớm hơn 2 ngày so với kế hoạch ban đầu. Như vậy, con tàu này đã trải qua 6 lần thử nghiệm trên biển.

Theo một số nguồn tin, Trung Quốc dự kiến sẽ đưa tàu sân bay Thi Lang vào biên chế chính thức của Lực lượng Hải quân trong đầu tháng 8 tới và con tàu này sẽ trực chiến ở Biển Đông.

Đây là động thái có thể khuấy động khu vực Biển Đông vốn đầy sóng gió.

Trung Quốc quyết định điều động tầu sân bay trực chiến tại biển Đông

Tàu sân bay sẽ giúp cho Trung Quốc giải được bài toàn hóc búa là khoảng cách địa lý trong tranh chấp với Philippines. Có thể Thi Lang chưa hoàn thiện bằng tầu sân bay của Mỹ, nhưng ít nhất nó cũng trở thành một căn cứ không quân trên biển Đông.

Một khi Thi Lang đã “xuống biển” điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã nắm được lợi thế so sánh gần như tuyệt đối với Philippines.

Nhưng nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc lại cần tới “dao mổ trâu”. Câu trả lời rõ ràng là Trung Quốc đang muốn nhằm vào “kẻ” đang đứng sau chống lưng cho Manila.

Nếu xét về lý thuyết tầu ngầm tấn công hiện đang có mặt tại biển Đông của Mỹ chỉ có thể cầm chân chứ không thể “tiêu diệt” được Thi Lang cùng hạm đội tầu hộ tống của nó.

Trong hoàn cảnh này thì rõ ràng Bắc Kinh đang quyết đem toàn bộ “vốn liếng” ra đấu một ván bài quan trọng với Mỹ. Có lẽ bản thân Mỹ lúc này cũng khá bất ngờ trước lời tuyên bố này của Trung Quốc, bởi khả năng phòng thủ cũng như tấn công của Thi Lang vẫn là một bí mật…

Biểu tượng chiến thắng, hay chỉ là “rồng” giấy trong mắt Mỹ?

Với chiều dài 300m và nặng khoảng 60.000 tấn, tàu Thi Lang được xem là tàu chiến lớn nhất khu vực châu Á. Tàu sân bay vốn được xem là thứ vũ khí bá chủ trên đại dương, là biểu tượng sức mạnh trên biển của bất kỳ quốc gia nào sở hữu nó. Việc Trung Quốc đưa tàu sân bay đầu tiên vào biên chế trực chiến trên biển Đông đã khiến nhiều nước lo ngại.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng, tàu Thi Lang của Trung Quốc là “tàu lớn” nhưng “cú đấm nhỏ”. Theo các nhà phân tích, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có thể làm thay đổi phần nào cán cân quyền lực trong khu vực nhưng không thể giúp Trung Quốc xác lập vị trí bá chủ ở biển Đông. Thậm chí, có người còn coi tàu sân bay Trung Quốc chỉ là thứ vũ khí mang tính biểu tượng.

Đại diện chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng tàu sân bay của Trung Quốc chỉ mang tính biểu tượng về sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc chứ thực sự không có giá trị về khả năng chiến đấu.


Trung Quốc hy vọng tầu sân bay Thi Lang sẽ trở thành cứu cánh cho Hải quân nước này khi phải đối mặt với Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ

Chuyên gia phân tích quân sự Paul Wright nhận định rằng chỉ một tàu sân bay không thể tạo ra ảnh hưởng lớn.

Ông Wright lập luận: “Nhiều nước khác như Thái Lan và Brazil cũng có một tàu sân bay nhưng hầu như không tạo được khác biệt gì”.

Trước thông tin Trung Quốc đưa tầu sân bay vào trực chiến, các chuyên gia quân sự của Indonesia, Singapore, Philippines đều cho rằng sự xuất hiện tàu sân bay của Trung Quốc sẽ không làm thay đổi cân bằng quân sự tại biển Đông nếu như Mỹ không bỏ rơi Asean.

Bản thân một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Hải quân Trung Quốc cũng nhận xét với tờ “Thời báo hoàn cầu” rằng: “Dù Trung Quốc có hoàn thiện chiếc tàu sân bay mua từ Ukraine, công nghệ của nó vẫn lạc hậu so với các tàu của các nước khác như Mỹ về phương diện chức năng lẫn trang bị”.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lúc này là sự hiện diện của tầu ngầm tấn công Mỹ trên biển Đông, còn tầu sân bay đầu tiên của Trung Quốc lại đang được lệnh trực chiến, vậy liệu rằng một viễn cảnh nào sẽ xảy ra trên biển Đông nếu các quốc gia liên quan không chịu ngồi lại với nhau?

Thái Yên (Tổng hợp)

Thái Lan, Trung Quốc và Biển Đông

Theo tờ "The Nation" của Thái Lan, khi nước này đóng vai trò như một quốc gia điều phối mới cho quan hệ ASEAN-Trung Quốc bắt đầu từ tháng Bảy tới, người ta rất hy vọng rằng nước này, với mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, có thể duy trì hòa bình và ổn định thông qua việc xử lý các tuyên bố gây tranh cãi trên Biển Đông đầy rắc rối.


Trong ba năm qua (2009-2012), dưới vai trò điều phối của Philíppin, căng thẳng trong vùng biển giàu khoáng sản này đã làm gia tăng các mối lo ngại thật sự với ASEAN và cộng đồng quốc tế về khả năng xung đột vũ trang. Để chuẩn bị cho sự tham gia trong tương lai của mình trong cả bối cảnh song phương và ASEAN, Thái Lan và Trung Quốc đã nhanh chóng phối hợp và tích cực đáp lại các mục tiêu an ninh của từng bên như thể họ đã làm đồng minh của nhau từ lâu nay.

Chuyến thăm cấp cao của tất cả các quan chức quân sự chóp bu Thái Lan tới Trung Quốc gần đây thể hiện một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Mỹ và khu vực, đặc biệt là Campuchia, rằng quan hệ an ninh và quốc phòng Thái Lan-Trung Quốc là cực kỳ chắc chắn, không phải bàn cãi. Trong những tuần và những tháng tới đây, hai nước sẽ phải thể hiện một cách rõ ràng trong việc đưa ra các cam kết của họ và mở rộng hợp tác để duy trì đối tác chiến lược đặc biệt của họ, nếu không nó sẽ chỉ là một cuộc "hôn nhân" vụ lợi. Các chính sách và hành động - trong suy nghĩ hay trên thực tế - từ nay đều có thể ảnh hưởng rộng rãi tới các quan hệ ASEAN-Trung Quốc và trong nội bộ ASEAN.

Trong cuộc gặp trực tiếp tại Bắc Kinh giữa Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc với người đồng cấp Thái Lan Sukhupol Suwannathat, Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha cũng tham gia cùng. Chủ đề họ thảo luận là hai vấn đề nhạy cảm tập trung vào Biển Đông và cuộc tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia xung quanh ngôi đền Hindu từ thế kỷ 12, được biết với cái tên Khao Praviharn trong tiếng Thái và Preah Vihear trong tiếng Khơme. Cả hai nước đều khẳng định sẽ ủng hộ nhau trong các vấn đề riêng của mình.

Liên quan tới căng thẳng trên Biển Đông, đặc biệt là sự bế tắc kéo dài ba tuần nay giữa Trung Quốc và Philíppin xung quanh bãi đá ngầm Scarborough hay còn gọi là Hoàng Nham trong tiếng Trung, Bắc Kinh đã cố gắng tách các thành viên ASEAN không có tuyên bố chủ quyền ra khỏi lập trường quyết đoán của Philíppin. Manila đã rất thất vọng vì thiếu sự ủng hộ của ASEAN. Với vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Thái Lan bỗng nhiên trở thành trọng tâm chính trong sự tấn công ngoại giao của Trung Quốc.

Trong khi các nhà lãnh đạo quân đội Thái Lan mạnh mẽ ủng hộ Trung Quốc về một loạt vấn đề song phương và khu vực, Bộ Ngoại giao Thái Lan lại không nhìn nhận sự ủng hộ này như là chính sách đối ngoại của đất nước để có thể xem xét một cách toàn diện hay từng trường hợp trước khi quyết định thực hiện. Với Trung Quốc và Biển Đông, vấn đề rất phức tạp và nhiều chiều. Rõ ràng Thái Lan đang trong tình thế khó xử đối với vấn đề tranh chấp bãi đá ngầm giữa Trung Quốc và Philíppin kể cả sau khi đã nghe lời giới thiệu tại Băngcốc của các nhà ngoại giao Trung Quốc vào cuối tháng Tư vừa qua. Trung Quốc đã khẳng định lại chủ quyền của họ đối với khu vực tranh chấp này khi nói họ có cơ sở lịch sử và pháp lý và phù hợp với luật pháp quốc tế. Trong thời gian qua, lập trường của Thái Lan đơn giản hơn: các bên liên quan tới tranh chấp nên giải quyết vấn đề của mình một cách hòa bình, thực hiện theo Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và ASEAN có thể tạo điều kiện đối thoại để đi tới các giải pháp cuối cùng.

Trung Quốc rất muốn sớm đưa Thái Lan về cùng một phe vì hai lý do. Đầu tiên là để khẳng định rằng Trung Quốc vẫn tham gia việc soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) với ASEAN. Các quan chức cấp cao ASEAN sẽ lại gặp gỡ trong lần thứ 5 tại Bangdung, Inđônêxia nhằm thảo luận đề xuất của Philíppin thiết lập một khu vực hợp tác chung và các nguyên tắc về cơ chế giải quyết tranh chấp trước khi các Bộ trưởng ASEAN thông qua vào tháng Bảy. Tại cuộc gặp gần đây nhất ở Phnôm Pênh, ASEAN chưa nhất trí về những yếu tố then chốt của COC. Thực ra, một số thành viên ASEAN muốn đưa Trung Quốc, nước mong muốn tham dự từ tháng 11 năm ngoái, vào tham gia để cả ASEAN và Trung Quốc có thể nhất trí và thông qua COC. Cả hai bên đã lãng phí 10 năm trước khi nhất trí về các đường hướng vào năm ngoái để đi tới giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, Philíppin và Việt Nam, hai nước có tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ, lại muốn ASEAN giải quyết tất cả "các vấn đề như mong muốn" trước bất kỳ một cuộc gặp nào với các đối tác Trung Quốc.

Thứ hai, Trung Quốc cũng hiểu rõ rằng quân đội Thái Lan ít bị ảnh hưởng trong chỉ đạo đối ngoại, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN, ngoại trừ trường hợp họ đang đối mặt với các vấn đề an ninh quốc gia. Ví dụ trong vấn đề Thái Lan-Campuchia hiện nay, các nhà lãnh đạo quân đội không hoàn toàn tuân thủ các quyết định do Bộ Ngoại giao đề xuất. Việc không thể triển khai được Nhóm quan sát viên Inđônêxia dọc biên giới tranh chấp là một ví dụ minh họa điển hình. Một điều biết trước là theo trình tự, mối quan hệ an ninh mạnh mẽ Trung Quốc-Thái Lan có thể gặp khó khăn khi nó được đặt trong bối cảnh cuộc xung đột song phương với Campuchia cùng với vai trò chồng lấn của ASEAN đối với các bên xung đột.

Thái Lan có thể đã quên các quan hệ tốt đẹp hiện nay giữa Trung Quốc và Campuchia sau chính sách lập lại quan hệ hữu nghị của Thủ tướng Hun Sen vào cuối năm 1999. Ông Hun Sen đã một tay tạo dựng mối quan hệ Campuchia-Trung Quốc và đưa Trung Quốc trở thành người bạn số 1 của Campuchia. Điều đầu tiên có thể nhận thấy là sự hỗ trợ to lớn và dài hạn của Trung Quốc, gồm cả dòng đầu tư mới. Từ năm 1994-2011, Trung Quốc đã đầu tư 8,8 tỷ USD vào Campuchia, trở thành nhà đầu tư lớn nhất cũng như là nhà tài trợ lớn nhất với 2,1 tỷ USD kể từ năm 1992. Hiện nay, tại Campuchia cũng đã có sự hiện diện đông đảo của cộng đồng người Trung Quốc nhập cư, chủ yếu là những doanh nhân, gần 1 triệu trong dân số 14 triệu của đất nước này. Hun Sen đã để lại một ấn tượng cá nhân mạnh mẽ trong chương trình nghị sự ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh tháng Tư vừa qua. Khi các nhà lãnh đạo của thế giới, trong đó có lãnh đạo của Mỹ, Trung Quốc, Nga tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 7 tại Phnôm Pênh vào tháng 11 tới, nhà lãnh đạo lâu năm nhất của khu vực này sẽ thể hiện sự khéo léo ngoại giao trong việc củng cố hình ảnh của ASEAN.

Nhưng sự thẳng thắn của ông Hun Sen và cuộc xung đột Thái Lan-Campuchia có thể đi sang một hướng, đặc biệt là sau khi Tòa án Quốc tế tại La Hay sẽ có phán quyết vào cuối năm nay và nó có thể ảnh hưởng tới tình hình hiện nay tại biên giới tranh chấp. Phán quyết của tòa án có thể là phép thử cho các quan hệ tay ba Trung Quốc-Thái Lan-Campuchia. Khi hai người bạn ASEAN tốt nhất của Trung Quốc giao chiến và sử dụng vũ khí của Trung Quốc, nó có thể trở thành thảm họa. Tại cuộc gặp gỡ trực tiếp với các lãnh đạo Trung Quốc, Thái Lan đã rất quan tâm tìm hiểu chi tiết về hệ thống bệ phóng tên lửa phức hợp BM-21 do Trung Quốc sản xuất. Thái Lan vẫn dựa vào hệ thống vũ khí hiệu quả do Mỹ sản xuất. Không giống như quan hệ an ninh Thái Lan-Trung Quốc, liên minh Thái Lan-Mỹ không có những lợi ích đồng thời vào một thời điểm kể cả khi gần đây Mỹ tuyên bố chuyển trọng tâm sang châu Á.

Vấn đề được đặt ra hiện nay: Liệu Campuchia với tư cách chủ nhà ASEAN và Thái Lan với tư cách nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc có thể cùng nhau ngăn cản được sự thất bại trong vấn đề Biển Đông? Dường như câu trả lời sẽ phụ thuộc vào phản ứng của Trung Quốc, đặc biệt là khả năng thuyết phục hai người bạn ASEAN không có tuyên bố chủ quyền Biển Đông giải quyết xung đột và cải thiện mối quan hệ nhằm ngăn chặn bất cứ sự ảnh hưởng nào đối với quyền lợi ngày càng lớn của Trung Quốc./.

Theo The Nation

Trần Quang (gt)

Học bổng nghiên cứu Biển Đông

Học viện Ngoại giao thông báo triển khai Chương trình Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông trên toàn quốc. Dự kiến năm 2012 sẽ cấp 20 suất hỗ trợ (mỗi suất 10.000.000VNĐ) cho các nghiên cứu xuất sắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và thúc đẩy hợp tác ở Biển Đông.


Chương trình được thực hiện nhằm hỗ trợ, khuyến khích các sinh viên đại học và cao học viết chuyên đề nghiên cứu về chủ đề Biển Đông, qua đó thúc đẩy việc nghiên cứu về Biển Đông trong toàn quốc, đồng thời phát hiện các tài năng trẻ, đam mê nghiên cứu về Biển Đông để tiếp tục đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, thúc đẩy hợp tác vì hòa bình và phát triển ở Biển Đông.

Trong năm 2012 chương trình dự kiến cấp 20 suất hỗ trợ (mỗi suất 10.000.000VNĐ) cho các sinh viên, có luận văn tốt nghiệp, hoặc công trình nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến Biển Đông từ các góc độ lịch sử, pháp lý, kinh tế và quan hệ quốc tế, v.v. Tác giả của 3 nghiên cứu xuất sắc nhất sẽ được mời tham gia và trình bày tham luận tại Hội thảo Quốc gia về Biển Đông lần thứ ba dự kiến tổ chức tại Hà Nội vào quý III năm 2012.

Các nghiên cứu gửi đến tham dự Chương trình sẽ được đánh giá và chọn lọc bởi hội đồng xét duyệt bao gồm các chuyên gia hàng đầu trong nước về vấn đề Biển Đông.

Các sinh viên, học viên cao học có thể đăng ký tham gia Chương trình theo Mẫu đăng ký và gửi đến chương trình thông qua Trường/Viện nơi các học viên đang tham gia học tập và nghiên cứu, hoặc gửi trực tiếp đến Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông -Học viện Ngoại Giao (69 Chùa Láng, Đống Đa, Hà Nội).

Thời hạn đăng ký tham gia Chương trình đến 30/4/2012; hạn chót để gửi bài nghiên cứu hoàn chỉnh là 30/7/2012.

Thông tin thêm xin đề nghị liên hệ với Anh Nguyễn Tiến Thịnh, Trung tâm Nghiên cứu Biển Đông, Học viện Ngoại giao.

Email:  tienthinh.nguyen@gmail.com
Điện thoại : 04.38344540 (Ext: 224)
Fax : 04.38343543
Di động: 0904 793369

Download Mẫu đăng ký

Trung Quốc lại "lộng ngôn và ngông cuồng" đe doạ các nước ở Biển Đông

Doãn Trác, một thiếu tướng quân đội chuyên tham gia bình luận các sự vụ liên quan tới biển Đông không ngần ngại nói thẳng, việc Philippines “xóa bỏ mọi dấu vết không liên quan đến chủ quyền của Philippines trên bãi Scarborough” đã đủ lý do (cái cớ) cho một hành động quân sự đáp trả. Thậm chí Bắc Kinh có quyền chủ động lựa chọn hành động quân sự ở cấp độ nào.

Căng thẳng trên bãi cạn Scarborough đang có dấu hiệu gia tăng khi truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tục lên tiếng lấn lướt, dọa nạt Philippines về “hậu quả” Manila sẽ phải gánh chịu nếu cứ tiếp tục cái gọi là “thử thách sự kiên nhẫn” của Trung Quốc.

Tân Hoa Xã, Nhân dân nhật báo, CCTV, báo Quân giải phóng đều có xã luận, phân tích xoay quanh chủ đề này.

Tân Hoa Xã tối 9/5 có bài xã luận “nhắc nhở” Phillippines với thông điệp y như Thứ trưởng Ngoại giao nước này, Phó Oánh đã nói với Đại biện lâm thời Philippines, Bắc Kinh đã chuẩn bị mọi phương án đối với Manila trong mọi tình huống.

Thậm chí xã luận Tân Hoa Xã còn “cao giọng nhắc nhở” các nước quanh biển Đông “đừng bất chấp hậu quả mà thử sự kiên nhẫn của Trung Quốc”.


CCTV 13 liên tục có các chương trình bình luận trực tiếp về căng thẳng trên biển Đông, phát sóng toàn quốc, quy tụ "chuyên gia"

Dù không nói ra “hậu quả” cụ thể là gì, nhưng giới phân tích, bình luận, “chuyên gia” công khai nói thẳng trên các báo, các chương trình bình luận thời sự rằng không loại trừ biện pháp quân sự trên biển Đông và cấm vận thương mại đối với Philippines.

Trong chương trình bình luận thời sự “Tầm nhìn toàn cầu” tối qua 9/5 của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV, nhóm “chuyên gia quân sự” Bắc Kinh đã khẳng định, hoạt động diễn tập đổ bộ của hạm đội Nam Hải trong thời gian này có liên quan trực tiếp đến tình hình căng thẳng trên bãi Scarborough.


Doãn Trác, thiếu tướng hải quân TQ, chuyên bình luận các vấn đề quân sự liên quan đến biển Đông hé lộ một giải pháp quân sự đối với Philippinse

Doãn Trác, một thiếu tướng quân đội chuyên tham gia bình luận các sự vụ liên quan tới biển Đông không ngần ngại nói thẳng, việc Philippines “xóa bỏ mọi dấu vết không liên quan đến chủ quyền của Philippines trên bãi Scarborough” đã đủ lý do (cái cớ) cho một hành động quân sự đáp trả. Thậm chí Bắc Kinh có quyền chủ động lựa chọn hành động quân sự ở cấp độ nào.

Cũng trong chương trình bình luận thời sự phát sóng toàn quốc này, Doãn Trác cho hay tàu Ngư chính 310 đang “trực ban” tại bãi Scarborough có thể kiểm tra thuyền và bắt giữ ngư dân Philippines bất cứ lúc nào nếu như tàu cá nước này “xâm phạm” khu vực bãi Scarborough.


Ngư chính 310 có thể bắt bớ tàu cá, ngư dân Philippines bất cứ lúc nào khi họ quay trở lại Scarborough đánh bắt

Tống Hiểu Quân, một bình luận viên quân sự kỳ cựu của đài truyền hình Phượng Hoàng, Hồng Kông cũng được mời tham gia chương trình này.

Khi Doãn Trác và người dẫn chương trình Phương Xuân Yến đề xuất một “giải pháp” đối với Philippines là cấm vận thương mại, Tống Hiểu Quân cho rằng cần hết sức thận trọng bởi người đầu tiên chịu thiệt hại nếu cấm vận Philippines chính là các doanh nghiệp Trung Quốc.

Trong một động thái khác có liên quan, hôm qua 9/5 Bộ Ngoại giao Trung Quốc họp báo cho biết, Bắc Kinh vẫn đang “đốc thúc” Manila quay trở lại “quỹ đạo”.


Xã luận trang đầu Tân Hoa Xã: "Đừng mơ cướp 1 tấc đất của Trung Quốc!" cao giọng nhắc nhở "Philippines và các nước quanh biển Đông"
Về việc CNOOC muốn hợp tác với Philex khai thác khí đốt trên bãi Cỏ Rong (thuộc chủ quyền Việt Nam), Hồng Lỗi, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết: “Còn phải chờ xem thành ý của Philippines thế nào đã!”

Hồng Thủy (nguồn CCTV, Tân Hoa Xã)

Thế kẹt trước Trung Quốc: Bản lĩnh và sự khôn khéo của Việt Nam

Sự đi xuống của Mỹ trong vai trò "siêu cường duy nhất" của thế giới cùng việc Trung Quốc nổi lên nhanh chóng như là cường quốc nổi trội ở khu vực Đông Á đã tạo ra một thế khó cho Việt Nam. Nối lại quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN là những biểu hiện của sự khéo léo về ngoại giao của Việt Nam.


Mối quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc là một phép thử về thách thức chiến lược mà Việt Nam phải đối mặt trên nền tảng lịch sử lâu dài. Việc nối lại quan hệ với Mỹ và gia nhập ASEAN là những biểu hiện của sự khéo léo về ngoại giao của Việt Nam. Sự đi xuống của Mỹ trong vai trò "siêu cường duy nhất" của thế giới và sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc với vai trò là cường quốc nổi trội ở khu vực Đông Á đã tạo ra một thế khó cho Việt Nam. Sự nổi lên của Trung Quốc tạo ra một mối đe dọa tiềm tàng, trong khi sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ tới châu Á có thể đem lại cho Việt Nam một giải pháp. Trong khi mối thách thức của Trung Quốc đã thử thách sự nhạy bén chiến lược của các quan chức ở Hà Nội, thì đối sách của Việt Nam thể hiện ở nhiều mặt và có vẻ như tuân theo 9 định hướng lớn. Thứ nhất là thông qua các kênh giữa hai Đảng để cải thiện quan hệ với Trung Quốc.

Thành tựu nổi bật của nỗ lực này là việc giải quyết tranh chấp biên giới trên bộ và gần như toàn bộ Vịnh Bắc Bộ - nhưng không phải là Biển Đông. Thứ hai là xây dựng sức mạnh của Việt Nam bằng việc cải cách và mở cửa nền kinh tế - còn gọi là Đổi Mới - và nâng cấp các lực lượng vũ trang với trọng tâm là khả năng chống tiếp cận trên biển. Thứ ba là gia nhập và liên kết với ASEAN để làm cho bất cứ mối đe dọa nào đối với Việt Nam ngày càng được coi là một mối đe dọa với tất cả. Thứ tư là sử dụng mọi cơ hội thông qua sự hiện diện chính thức, các tuyên bố công khai, các cuộc tập trận quân sự, và "sự thật trên thực địa" để khẳng định "quyền chủ quyền" của Việt Nam trên Biển Đông. Thứ năm là tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán nhằm giảm bớt các tranh chấp lãnh thổ giữa các nước ASEAN trên Biển Đông để tạo ra một mặt trận thống nhất trước Trung Quốc. Thứ sáu là lôi kéo các công ty dầu lửa quốc tế (trong đó có Ấn Độ) vào Biển Đông bằng việc đưa ra các điều khoản hấp dẫn trong các hợp đồng. Thứ bảy là phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Nhật Bản và nâng cấp quan hệ quân sự với Nga và Ấn Độ - trong đó có khả năng cho hải quân tiếp cận với Cảng Cam Ranh. Thứ tám là thông báo cho Bắc Kinh thường xuyên và công khai rằng Việt Nam "không bao giờ có thể chấp nhận" các tuyên bố về biển của Trung Quốc. Cuối cùng là phát triển một mối quan hệ ngày càng gần hơn với Mỹ, cả về kinh tế, ngoại giao và quân sự. Sự phát triển của quan hệ quân sự với Mỹ là đặc biệt đáng chú ý.

Bắt đầu bằng sự hợp tác thận trọng trong việc giải quyết vấn đề MIA/POW (người Mỹ mất tích trong chiến tranh và tù binh chiến tranh) trong những năm 1980, các mối liên lạc quân sự với quân sự bắt đầu từ giữa những năm 1990. Quan hệ này mở rộng nhanh chóng với các chuyến thăm cảng của tàu hải quân Mỹ, một diễn đàn "đối thoại chiến lược" giữa giới quân sự hai nước, và việc các quan chức cao cấp Việt Nam thường xuyên nhắc tới một "quan hệ đối tác chiến lược". Động cơ không nói ra nhưng không thể nhầm lẫn được cho là mấu chốt của mối quan hệ này là sự quan ngại chung về Trung Quốc.

Môi trường chiến lược của Việt Nam


Sức mạnh đang tăng của Trung Quốc tạo ra một môi trường chiến lược rất bất cân xứng cho Việt Nam. Ngày nay không có sự lặp lại thành công về quân sự giống như Việt Nam đã thực hiện vào năm 1979 trước Trung Quốc. Nếu Trung Quốc quyết tâm - chẳng hạn như không cho ngư dân Việt Nam vào các vùng biển ở Biển Đông - có lẽ Việt Nam không thể làm gì được. Tuy nhiên, các xu hướng rõ rệt trong khu vực lại đang có lợi cho Việt Nam. Thứ nhất là sự điều chỉnh trọng tâm chiến lược của Mỹ tới Đông Nam Á và Biển Đông. Hà Nội biết rõ rằng sức mạnh quân sự của Mỹ cuối cùng sẽ là đối trọng hiệu quả duy nhất cho sự mạnh bạo ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Thứ hai là sự bất an rõ rệt và ngày càng tăng tại Đông Nam Á trước các ý đồ của Trung Quốc. Kết quả là chính phủ các nước ASEAN ngày càng sẵn sàng thể hiện mối quan ngại của họ với Bắc Kinh. Trung Quốc từ lâu đã cố gắng giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông với Đông Nam Á trong phạm vi song phương và tránh gây chú ý. Việt Nam thì cố gắng theo hướng ngược lại - quốc tế hóa và công khai hóa. Trong vấn đề cụ thể này, lợi thế thuộc về Việt Nam chứ không phải Trung Quốc.

Về mặt lịch sử, mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc là một bản hùng ca đấu tranh để giành lấy và gìn giữ độc lập dân tộc khỏi sự kiểm soát của Trung Quốc. So với điều này, các cuộc chiến tranh gần đây chống lại sự can thiệp của Pháp và Mỹ sẽ là thứ yếu. Gần một nghìn năm trước, nhân dân Việt Nam đã giành được độc lập với Trung Quốc và duy trì nó (với cái giá không hề rẻ) kể từ đó. Từ khía cạnh này, thời kì cai trị thuộc địa của Pháp, Chiến tranh thế giới thứ Hai và Chiến tranh Lạnh chỉ là những sai số của lịch sử. Trong thời kỳ này, mối oán thù Trung - Việt được hóa giải nhờ vào các mối đe dọa và nhu cầu nổi trội. Trong "Chiến tranh chống Mỹ", Bắc Kinh và Hà Nội trở thành đồng minh của nhau. Nhưng mối quan hệ đó nhanh chóng đổ vỡ sau năm 1975 khi một Việt Nam chiến thắng và thống nhất đã đứng về phía Mátxcơva và chống lại Bắc Kinh trong cuộc đối đầu Xô-Trung. Câu chuyện lên đến đỉnh điểm vào năm 1979 khi Trung Quốc phản ứng trước việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia (do các cuộc tấn công của Khơme Đỏ vào các làng mạc của Việt Nam) bằng việc cử 30 sư đoàn vượt qua biên giới Việt Nam để thực hiện cái gọi là “dạy cho Việt Nam một bài học".

Cuộc chơi mới của Việt Nam


Bài học lớn nhất rút ra là việc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã không tác chiến tốt theo các tiêu chuẩn quân sự hiện đại. Sự độc lập của Việt Nam được giữ nguyên vẹn. Trong hai thập kỷ kế tiếp, mối quan hệ Trung - Việt bước vào giai đoạn lắng dịu về chiến lược. Cả hai nước đều tập trung vào nhiệm vụ lớn là tái thiết kinh tế và phát triển. Sự sụp đổ của Liên Xô vào đầu những năm 1990 là điều gây bất an cho cả hai nước. Đối với Hà Nội, điều này đồng nghĩa với việc mất đi một nguồn bảo trợ quan trọng về an ninh và kinh tế. Nó cũng đánh dấu sự khởi đầu của một bối cảnh chiến lược hoàn toàn mới, với hai đặc điểm nổi bật là vị trí số một của Mỹ trong vai trò "siêu cường duy nhất" và sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực mà Việt Nam có lợi ích. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN và vị thế ngày càng tăng trong tổ chức này là bằng chứng về khả năng của Hà Nội trong việc tạo một lối đi giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự gần gũi ngày càng tăng của Hà Nội với Oasinhtơn, là biểu hiện quan trọng nhất cho sự khéo léo của Hà Nội trong việc giải quyết thế kẹt về chiến lược./.

Giáo sư Marvin Ott là chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung tâm Woodrow Wilson, Mỹ

Theo Rsis

Mỹ Anh (gt)